Skip to main content

Vụ Đông – Xuân có vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của xã. Sản lượng cây trồng vụ Đông - Xuân chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng sản lượng lương thực của năm.

Vụ Đông – Xuân có vai trò quan trọng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của xã. Sản lượng cây trồng vụ Đông - Xuân chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng sản lượng lương thực của năm. Tuy vậy, năm nay sản xuất trồng trọt đối mặt với không ít bất lợi. Thời tiết diễn biến khó lường, tình trạng thiếu nước sản xuất xảy ra cục bộ tại một số thôn, cho nên sẽ ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng cây vụ Đông – Xuân 2021 trên địa bàn toàn xã nhất là trên các diện tích sản xuất cây vụ Đông - Xuân trên đất trồng lúa.

Theo kế hoạch sản xuất cây vụ Đông – Xuân của xã, tổng diện tích gieo trồng là 134,23 ha. Trong đó cây khoai tây được 9,72 ha, rau các loại 8,81 ha, diện tích cây thuốc lá ước trồng được 100 ha, diện tích cây ớt ước 11,2 ha, ngô ruộng 4,5 ha. Hiện nay các cây trồng vụ Đông – Xuân đang được các thôn triển khai gieo trồng để kịp thời tiến độ.

 

Ảnh: Cánh đồng thuốc lá vụ Đông - Xuân tại thôn Nà Canh

Để có vụ Đông – Xuân thắng lợi, các thôn, cần nắm chắc nhận định thời tiết để có cơ sở trong công tác dự báo, ứng phó với sâu bệnh gây hại; Căn cứ vào điều kiện cụ thể để tổ chức thực hiện sát thực tế, bảo vệ cây trồng. Cán bộ chuyên môn khuyến nông phải bám sát thực địa, không để bỏ sót, bất ngờ. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cách nhận biết và biện pháp phòng, trừ sinh vật hại hiệu quả.

Một số đối tượng sinh vật hại chủ yếu trên một số cây trồng chính vụ Đông – Xuân các thôn cần quan tâm để chủ động phòng trừ.

(1). Cây Ngô, cần chú ý một số đối tượng sinh vật hại chính sau:

+ Sâu đục thân: Vệ sinh đồng ruộng, bón phân đầy đủ và cân đối N, P, K. Dùng thuốc: Vibasu 10GR xử lý đất trước khi gieo; Thu gom thân ngô bị hại đem đi tiêu hủy để diệt nhộng..

+ Sâu keo: Sử dụng thuốc Fortenza Duo 480 FS để xử lý hạt giống ở lượng 600ml/100kg hạt giống; Sử sụng các thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng để phun trừ sâu keo như: Radiant 60SC, Match 050EC, Clever 150 SC, Angun 5WG, Tasieu 5WG, …

+ Bệnh đốm lá: Thâm canh đúng kỹ thuật để cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt hạn chế được sự gây hại của nấm bệnh. Khi bệnh xuất hiện có thể phun thuốc  A-V-T Vil 5SC, Anvil 5SC, Rirominl Gold 68WG, Antracol 70WP… để phòng trừ.

Ảnh: Cây ngô bị bệnh sâu keo

(2). Cây khoai tây cần chú ý một số đối tượng sinh vật hại chính sau:

+ Phòng trừ sâu hại như rệp, nhện và bọ trĩ: Vệ sinh đồng ruộng, hạn chế trổng cây phụ cùng họ (đậu, bí đỏ, rau cải,...) xung quanh ruộng; cắt bỏ lá bị hại nặng. Phun thuốc khi phát hiện có sâu, rệp, nhện, bọ trĩ. Nên phun luân phiên thay đổi các loại thuốc. Sử dụng các thuốc BVTV đặc hiệu theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

+ Phòng trừ bệnh mốc sương và bệnh đốm lá: Sử dụng củ giống sạch bệnh, trổng xa khu vực có khoai tây hoặc ký chủ khác đã nhiễm bệnh. Chú ý giữ vệ sinh đồng ruộng, loại bỏ cây ký chủ phụ và các tàn dư ký chủ của vụ trước; không để củ thối, nhiễm bệnh trong hoặc xung quanh ruộng trồng. Thực hiện phun phòng trừ bệnh mốc sương trước khi cây khoai tây khép tán (dùng thuốc có tác dụng tiếp xúc như: Mancozeb, Zineb, DaconiL). Chú ý quan sát thời tiết, khi có mưa hoặc sương mù nhiều liên tục 2 - 3 ngày liền trong điều kiện nhiệt độ không khí dưới 26°c cần phun thuốc phòng bệnh.

Khi bắt đầu xuất hiện những triệu chứng bệnh đầu tiên, cần phun ngay thuốc nội hấp, lưu dẫn như: Vimonyl 72WP, Vilaxyl 35WP... theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Sau đó nên thay đổi luân phiên các loại thuốc.

                           Ảnh: Bệnh sương mai trên cây khoai tây

(3). Cây thuốc lá cần chú ý một số đối tượng sinh vật hại chính sau:

 Bệnh vàng xoăn lá, trắng lá: Tác nhân gây bệnh do một số loài vi rút gây ra. Các vi rút này ký sinh trên một số loại cây trồng, vi rút này sẽ ăn hết các chất diệp lục khiến cây không thể quang hợp được và gây nên tình trạng trên rồi chết dần. Tác nhân gây bệnh là do vi rút, cho nên phải có các vật trung gian mang và truyền bệnh thì bệnh mới được phát tán (như rệp, bọ phấn trắng, bọ trĩ, nhện đỏ…). Các côn trùng này mang vi rút từ cây bệnh rồi gieo rắc sang cây khoẻ. Bệnh do vi rút gây ra nên hiện chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, có thể quản lý bệnh một cách hữu hiệu bằng cách quản lý con đường lây lan. Để quản lý được bệnh, phải áp dụng đồng thời nhiều biện pháp mới đạt kết quả mong muốn như:  Vệ sinh tàn dư cây trồng vụ trước, nhất là những cây trồng là ký chủ của vi rút như thuốc lá; Theo dõi thật chặt chẽ mật độ các loại sâu chích hút, đặc biệt là rệp và bọ phấn trắng, để phòng trừ kịp thời, chú trọng phòng trừ sâu chích hút từ khi cây vừa mọc cho đến 30 ngày sau mọc (vì đây là giai đoạn quyết định tỷ lệ cây bị bệnh và mức độ bệnh nặng hay nhẹ).

Ảnh: Cây thuốc lá bị bệnh khảm

(4). Cây ớt cần chú ý một số đối tượng sinh vật hại chính sau:

+) Bệnh thán: gây hại trên tất cả các bộ phận của cây ớt (thân, lá, quả và hạt. Nguyên nhân gây bệnh thán thư do nấm Colletotrichum gloeosporioides gây ra. Bệnh phát sinh phát triển mạnh trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ cao. Bào tử nấm phát tán nhờ gió, côn trùng và nước tưới đặc biệt là kiểu tưới rãnh. Để phòng trừ nấm gây bệnh thán trên cây ớt, cần xử lý kịp thời khi thấy vết bệnh vừa mới chớm nên phun thuốc trừ bệnh chứa hoạt chất Propineb, ngoài tác dụng phòng trừ trực tiếp nấm gây bệnh thán hoạt chất Propineb còn bổ sung nguyên tố vi lượng kẽm (Zn++) tinh khiết cho cây ớt, làm tăng sức đề kháng, xanh lá và cứng cây, chống rụng hoa và quả, đồng thời làm quả ớt có màu sáng đẹp.

+) Bọ trĩ hại cây ớt: khi chúng ăn hại cây, làm cho lá quăn và méo mó, hoa biến dạng, và tạo nên những miếng vá từ trắng tới bạc trên lá đang nhú mà thường có những vết bẩn phân đen nhỏ trong đó. Để phòng trừ tránh trồng ớt cạnh các ruộng hành, tỏi, vì bọ trĩ thường tụ tập đông ở những cây trồng này. Sử dụng các tấm phủ phản quang đầu vụ để xua đuổi bọ trĩ. Đặt các bẫy dính màu vàng nhằm theo dõi rệp, ruồi trắng và theo dõi sự di chuyển của bọ trĩ. Nếu có bọ trĩ, hãy phun mầm và cây giống bằng imidacloprid (phun cây giống trước khi đưa vào ruộng để trồng). Phun cây bằng những dung dịch phun lá trong suốt vụ mùa có thể hạn chế sự lan truyền trong ruộng ớt ở một mức độ nào đó. Luân phiên các loại thuốc sâu để tối thiểu hóa sự kháng thuốc ở bọ trĩ.

Ảnh: Bệnh thán trên cây ớt

Sự vào cuộc có hiệu quả của Chính quyền địa phương, của các bộ phận chuyên môn tham mưu, của người sản xuất, Kế hoạch sản xuất vụ Đông – Xuân năm 2021 trên địa bàn toàn xã chắc chắn sẽ thu nhiều thắng lợi.

Linh Thị Hoàn (Công chức Tư pháp – Hộ tịch)

 

About